Đột quỵ khi tập gym và cách sơ cứu khẩn cấp
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là nguy cơ đột quỵ. Trong bài viết này, hãy cùng bác sĩ Huỳnh Minh Nhật, bác sĩ cấp cứu tại Family Medical Practice Quận 2, tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo và những kỹ năng sơ cứu cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn cũng như những người xung quanh trong quá trình tập gym.
1/ Nguyên nhân phổ biến của việc ngã quỵ khi tập thể dục là gì?
Ngã quỵ khi tập thể dục (collapse in exercise) có thể do chấn thương và không do chấn thương.
Reference: Catastrophic sports injury research fortieth annual report (fall 1982-spring 2022). National Center for Catastrophic Sport Injury Research at the University of North Carolina at Chapel Hill. https://nccsir.unc.edu/wp-content/uploads/sites/5614/2023/11/2022-Catastrophic-Report-AS-40th-AY2021-2022-FINAL-WEB.pdf (Accessed on September 22, 2024).
Theo thống kê trên của NCCSIR:
Ngã quỵ khi tập thể dục do chấn thương có mức độ nặng phụ thuộc vào bản chất của môn thể thao, và có đối kháng hay không. Tỉ lệ chấn chương cao nhất là ở cột sống và não bộ. Mức độ nguy kịch phụ thuộc loại chấn thương và mức độ tổn thương.
Đối với ngã quỵ khi tập thể dục không do chấn thương, khoảng 70% trường hợp liên quan đến tim mạch, 12% do sốc nhiệt, còn lại do nguyên nhân khác (sốc phản vệ, cơn hen cấp, hạ natri máu cấp, hạ đường huyết, tụt huyết áp tư thế…). Những nguyên nhân tim mạch nặng (nhồi máu cơ tim, đột quỵ não…), sốc phản vệ nặng, cơn hen nguy kịch, hạ đường huyết nặng kéo dài… có thể gây ngừng tim đột ngột (sudden cardiac arrest).
Tùy từng nguyên nhân, nếu người tập thể dục có những yếu tố nguy cơ tương ứng thì khả năng bị ngã quỵ sẽ tăng cao. VD người có tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường… gia tăng khả năng ngã quỵ do bệnh tim mạch cấp (nhồi máu cơ tim, đột quỵ não…). Người có tiền sử hen phế quản, dị ứng… gia tăng khả năng ngã quỵ do cơn hen cấp, sốc phản vệ…
Nếu những yếu tố nguy cơ này không được phát hiện và kiểm soát tốt, người tập thể dục có nguy cơ ngã quỵ do những bệnh lý cấp tính càng cao.
Ngoài ra, một số người có bệnh lý bẩm sinh tiềm ẩn (VD bệnh cơ tim phì đại, hội chứng QT dài, hội chứng Brugada… ) có khả năng gây loạn nhịp tim nguy hiểm, ngất và ngừng tim khi gắng sức.
2/ Làm thế nào để nhận biết các triệu chứng trước khi ngã quỵ? Có những dấu hiệu tiềm ẩn nào mà mọi người thường dễ bỏ qua?
Những triệu chứng ngã quỵ do bệnh lý cấp tính nặng thường đến rất nhanh và đột ngột, có thể dẫn đến mất ý thức và ngừng tim sau đó. VD nạn nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có biểu hiện đau ngực đột ngột dữ dội, nạn nhân bị đột quỵ não bị liệt nửa người hoặc hôn mê, nạn nhân bị sốc phản vệ hoặc hen phế quản cấp bị khó thở nhanh và nặng… Ở những trường hợp này, nạn nhân thường ngã quỵ TRONG lúc tập thể dục
Những bệnh lý khác như sốc nhiệt, hạ natri máu, hạ đường huyết… triêu chứng có thể xảy ra từ từ hơn: đau cơ, vọp bẻ, tăng thân nhiệt, vã mồ hôi… Ở những trường hợp này, nạn nhân thường ngã quỵ SAU khi ngừng tập thể dục
Đối với nạn nhân, những triệu chứng xảy ra nhanh và dữ dội. Rất nguy hiểm nếu nạn nhân không được phát hiện kịp thời bời người xung quanh, nhất là các trường hợp xảy ra trong phòng kín (nhà vệ sinh, phòng xông hơi…) hoặc nạn nhân bị hôn mê, mất ý thức khi đang nằm/ngồi nghỉ ngơi giữa hiệp.
3/ Các bước sơ cứu thiết yếu nào cần thực hiện trước khi gọi cứu thương?
Người sơ cứu phải đảm bảo hiện trường an toàn cho bản thân mới tiến hành sơ cứu, khi nạn nhân bị ngã quỵ ở những nơi không an toàn (VD trên đường chạy, ngã xuống sông, hồ…).
Khi nạn nhân nằm ở nơi an toàn, người sơ cứu đánh giá nạn nhân có đáp ứng hay không bằng cách vỗ vai và gọi to. Khi nạn nhân không đáp ứng, lập tức hô lớn nhờ giúp đỡ, gọi cấp cứu và lấy máy khử rung tự động (nếu có).
Người sơ cứu đánh giá nhanh nhịp thở và mạch cùng một lúc:
- Nếu nạn nhân không có mạch, hoặc không chắc là có mạch: thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, xen kẽ thổi ngạt với tỉ lệ 30:2
- Nếu nạn nhân có mạch, nhưng không thở hoặc thở ngáp: tiến hành thổi ngạt mỗi 6 giây (10 lần thổi ngạt/1 phút). Kiểm tra mạch mỗi 2 phút.
Nếu có máy khử rung tự động và người sơ cứu biết sử dụng máy thì lắp máy khử rung cho nạn nhân.
Thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản cho đến khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.
Sơ cứu các chấn thương nếu có (VD: cố định cột sống cổ nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ, cố định gãy xương, cầm máu…) với người sơ cứu có kinh nghiệm.
4/ Những người xung quanh cần phản ứng và xử lý như thế nào?
Những người xung quanh nên kiểm tra và giữ hiện trường an toàn cho những người sơ cứu thực hiện sơ cứu nạn nhân.
Người xung quanh có thể hỗ trợ sơ cứu nếu có kiến thức về hồi sinh tim phổi cơ bản (basic life support – BLS), vì thực hiện ép tim đúng kĩ thuật là việc làm rất tốn sức và nỗ lực.
5/ Bác sĩ có lời khuyên gì cho những người thường xuyên tập thể dục để tránh các rủi ro này không?
Thật ra, tập thể dục thường xuyên có rất nhiều ích lợi như: giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, Alzheimer và một số bệnh ung thư; cải thiện giác ngủ, trí nhớ; kiểm soát cân nặng; giảm triêu chứng lo âu, trầm cảm vv…
- Đối với người tập luyện chuyên nghiệp / chuẩn bị tham gia chuyên nghiệp: thực hiện khám sức khỏe theo yêu cầu của môn tập, và dưới giám sát của huấn luyện viên.
- Đối với người tập luyện không chuyên nghiệp: Nên khám sức khỏe định kì ít nhất hàng năm để tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch và các bệnh lý khác. Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ và điều trị bệnh lý (nếu có) dưới hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu bạn có vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý sẵn, hãy thông báo cho người phụ trách phòng tập và huấn luyện viên cá nhân. Chọn môn và cường độ tập luyện phù hợp theo ý kiến của bác sĩ.
Tuân thủ các quy định về an toàn của môn tập luyện, mang đầy đủ các trang bị đúng và cần thiết của môn đó.
Không tập khi quá no hoặc quá đói. Bổ sung nước – điện giải nếu khát trong quá trình tập. Không uống nước quá nhiều nếu không khát, vì có thể dẫn đến loãng máu gây hạ natri máu
Nên trang bị cho mình kĩ năng sơ cứu, quan trọng nhất là kĩ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản