Hướng Dẫn Mẹ Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bị Tiêu Chảy: Chế Độ Ăn Uống và Lời Khuyên

Hướng Dẫn Mẹ Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bị Tiêu Chảy: Chế Độ Ăn Uống và Lời Khuyên
Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh, cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, kháng thể và các yếu tố tăng trưởng. Nó tăng cường sự phát triển của hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy sự phát triển tối ưu của não. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy thậm chí là bé sơ sinh hay đi ngoài nhiều lần. Vậy nguyên nhân gây nên tình trạng này là gì? Mẹ cần làm gì khi trẻ gặp phải tình trạng này?
Trẻ bú mẹ bị tiêu chảy do đâu?
Trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy không phải là một hiện tượng hiếm gặp, do đó, khi trẻ gặp phải tình trạng này, điều đầu tiên và quan trọng nhất là bố mẹ cần phải thật bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân.
1. Trẻ chưa được cho bú đúng cách
Bú sai cách là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh bú mẹ thường gặp khi mẹ mới tập cho con bú. Khi mẹ điều chỉnh lại, cho trẻ bú đúng cách, tình trạng tiêu chảy ở trẻ sẽ tự khỏi.
Khi trẻ bú mẹ, sữa đầu dòng thường sẽ trong và loãng nhưng càng về sau, khi gần hết thì sữa sẽ đặc lại. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên còn lại khi bé chưa no. Điều này giúp đảm bảo trẻ được bổ sung đủ nước và đủ dưỡng chất cần thiết. Hơn nữa, việc bú cạn sữa trong bầu vú của mẹ sẽ tạo điều kiện để cơ thể mẹ sản sinh thêm sữa để nuôi dưỡng sớm, tránh tình trạng mẹ hết sữa sớm.
2. Trẻ bị nhiễm khuẩn
Mặc dù trẻ sơ sinh được chăm sóc kỹ lưỡng, ở trong nhà và ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nhưng tại sao vẫn có thể bị nhiễm khuẩn? Thực tế, có rất nhiều nguồn gây bệnh tiềm ẩn có thể lây lan và khiến trẻ nhiễm trùng. Ví dụ như việc mẹ không vệ sinh cho trẻ đúng cách hoặc bố mẹ không rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng khử khuẩn trước khi tiếp xúc với bé.
Đặc biệt, việc vệ sinh đầu vú không đảm bảo có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Khi trẻ bú mẹ, những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ, gây ra các vấn đề như tiêu chảy. Đối với trẻ sơ sinh, với hệ tiêu hóa còn non yếu, tình trạng này có thể tiến triển nặng nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
3. Thực phẩm của mẹ ăn
Chế độ dinh dưỡng của mẹ có tác động trực tiếp đến chất lượng sữa. Các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường, và nước ngọt không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể qua sữa mẹ, gây kích ứng hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, dẫn đến tiêu chảy. Do đó, mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, cân bằng, và ưu tiên lựa chọn thực phẩm an toàn, lành mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.
4. Tác dụng phụ của thuốc khi mẹ sử dụng
Khi mẹ cho con bú và sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, dược tính của thuốc có thể thấm qua sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, dẫn đến tình trạng tiêu chảy. Điều này cũng có thể xảy ra khi mẹ dùng các loại thực phẩm bổ sung. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung nào, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại phù hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ. Trong giai đoạn cho con bú, việc dùng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng không đúng cách có thể gây hại cho bé.
5. Bất dung nạp đường Lactose
Nhiều trẻ sơ sinh phải sử dụng sữa công thức thay vì sữa mẹ do mẹ không đủ sữa. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ. Nguyên nhân là do sữa công thức thường chứa đường Lactose, và nếu cơ thể trẻ thiếu men Lactase để phân giải Lactose, lượng đường này sẽ tồn đọng trong ruột. Kết quả là trẻ sẽ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Cách nhận biết bé sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy?
Thông thường, phân của trẻ sơ sinh bú mẹ có kết cấu mềm và khá lỏng, khiến nhiều bố mẹ khó phân biệt khi trẻ bị tiêu chảy. Tuy nhiên, mẹ có thể dễ dàng nhận biết tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh thông qua những dấu hiệu phổ biến sau đây:
- Phân lỏng, nhiều nước bất thường, lượng phân tăng lên.
- Phân có nhầy máu hoặc có mùi hôi tanh bất thường.
- Tần suất đi tiêu của trẻ tăng đột ngột hơn so với thường ngày.
- Trẻ sốt hoặc quấy khóc nhiều.
- Trẻ bú kém, bỏ bú, nôn ói.
- Xuất hiện dấu hiệu mất nước: mắt trũng, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít,…
Cách điều trị trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy
Phương pháp điều trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh bú mẹ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nếu nguyên nhân là do trẻ bú sai cách, mẹ có thể khắc phục bằng cách vắt bỏ một phần sữa đầu trước khi cho trẻ bú, giúp trẻ bú được nhiều sữa đặc hơn. Sau một vài lần thực hiện, tình trạng tiêu chảy của trẻ có thể cải thiện. Mẹ nên cho trẻ bú đúng cách: bú hết một bên ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại.
Trong trường hợp mẹ có chế độ ăn uống không lành mạnh, đang dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng, mẹ cần ngừng ngay những thói quen này cho đến khi trẻ cai sữa. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng chỉ định.
Đối với những trường hợp trẻ tiêu chảy do nhiễm khuẩn hoặc các bệnh lý khác, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp dựa trên loại bệnh, tác nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của trẻ.
Mẹ cần lưu ý gì khi chữa bé bú mẹ bị tiêu chảy?
Một trong những biến chứng nghiêm trọng của tiêu chảy là tình trạng mất nước. Vì vậy, khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn, có thể chia nhỏ các cữ bú để bù lại lượng nước mất qua phân và cung cấp dinh dưỡng, năng lượng giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Lưu ý, nếu trẻ bị tiêu chảy nặng, mất nước, và không thể tự bú mẹ, bác sĩ có thể chỉ định nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch nhằm bù nước cho trẻ.
Tiêu chảy thường khiến vùng mông của trẻ luôn ẩm ướt, tăng nguy cơ hăm tã và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do đó, mẹ cần vệ sinh vùng mông và hậu môn cho trẻ thường xuyên bằng nước sạch và giữ cho vùng này luôn khô thoáng. Mẹ cũng có thể bôi kem ngừa hăm tã để bảo vệ da trẻ.
Tất cả các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Việc áp dụng các mẹo dân gian hoặc tự điều trị tiêu chảy tại nhà mà không tham khảo ý kiến chuyên gia có thể làm bệnh tình của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Tiêu chảy là một bệnh dễ lây lan, vì vậy, khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là khử khuẩn tay sau khi thay tã cho trẻ. Đồ dùng như gối, mền, và nệm của trẻ cần được vệ sinh riêng và thường xuyên để tránh vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của trẻ.
Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Khi bé bú mẹ hoàn toàn bị tiêu chảy, tốt nhất mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viên ngay khi gặp các trường hợp sau:
- Trẻ đi ngoài phân có nhầy, máu.
- Tình trạng tiêu chảy ngày càng trở nặng.
- Trẻ bú kém hoặc nôn ói nhiều.
- Sốt.
- Trẻ bứt rứt, hoặc li bì khó đánh thức.
Phòng khám Y khoa Gia đình
Để biết thêm thông tin chi tiết, đặt lịch khám..., vui lòng liên hệ FMP theo các kênh dưới:
☎️ 024 3843 0748- 117/119 (24/7)
✉️hanoi@vietnammedicalpractice.com
🏥298 i Kim Mã, Ba Đình, Hanoi