Các bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em và cách phòng tránh

Các bệnh nhiễm trùng trẻ có thể mắc phải
- Thủy đậu
Thuỷ đậu hay còn gọi là trái rạ là bệnh nhiễm siêu vi rất dễ lây lan do vi rút varicella-zoster (VZV) gây ra. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt với người chưa tiêm phòng. Trong một số trường hợp, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu, thủy đậu có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng da do vi khuẩn, viêm phổi hoặc viêm não. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu thường bao gồm:
- Phát ban đỏ, ngứa xuất hiện ở mặt, ngực và lưng trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Lúc ban đầu, phát ban trông giống những đốm đỏ nhỏ rồi sau đó nhanh chóng phát triển thành mụn nước chứa đầy dịch.
- Sốt nhẹ đến trung bình, thường dao động từ 38°C – 39°C.
- Trẻ bị thủy đậu có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hoặc khó chịu nói chung.
- Có thể bị nhức đầu và đau nhức cơ thể, đặc biệt ở trẻ tiền học đường và người cao tuổi.
Khi thấy trẻ có các triệu chứng của bệnh thủy đậu, ba mẹ cần cho trẻ cách ly ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác để ngăn ngừa lây lan virus. Sau đó, ba mẹ hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách quản lý các triệu chứng và xác định xem có cần đánh giá hoặc điều trị y tế thêm hay không.
Cách điều trị bệnh thủy đậu có thể bao gồm sử dụng thuốc không kê đơn để hạ sốt và giảm bớt sự khó chịu, thuốc kháng histamin hoặc kem dưỡng da calamine để giảm ngứa do phát ban.
Tiêm vắc xin thủy đậu là rất quan trọng, trẻ được tiêm ngừa thủy đậu sẽ có miễn dịch với bệnh mà không có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng của bệnh như viêm phổi và viêm não.
- Tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại enterovirus khác nhau gây ra, phổ biến nhất là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Trẻ em dưới 5 tuổi thường gặp phải căn bệnh này. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày mà không có biến chứng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu có thể gặp các biến chứng nặng như mất nước hoặc viêm màng não do virus.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng bao gồm:
- Thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, kéo dài từ 1-2 ngày.
- Bị đau họng hoặc khó chịu khi nuốt.
- Chán ăn hoặc biếng ăn do bị khó chịu, đau họng hoặc nổi mụn nước.
- Phát ban các đốm hoặc mụn nước nhỏ màu đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi ở mông. Phát ban cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác như đầu gối, khuỷu tay và vùng sinh dục.
- Các mụn nước có thể gây cảm giác đau, đặc biệt là khi đi lại hoặc chạm vào đồ vật. Trong một số trường hợp, mụn nước có thể vỡ ra và hình thành vết loét.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng bao gồm sử dụng các loại thuốc không kê đơn để hạ sốt và giảm bớt sự khó chịu, cũng như các phương pháp điều trị tại chỗ và dùng nước súc miệng để giảm đau do vết loét miệng. Ba mẹ cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước để không bị mất nước vì đau họng.
- Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan do vi rút sởi Morbillivirus gây ra. Sởi chủ yếu ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não hoặc nhiễm trùng tai. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.
Các triệu chứng của bệnh sởi thường bao gồm:
- Sự xuất hiện của những đốm nhỏ màu trắng với tâm màu trắng xanh, được gọi là đốm Koplik, bên trong miệng, thường xuất hiện trước khi phát ban vài ngày.
- Sốt cao, dao động từ 38,3°C đến 40°C.
- Bị ho dai dẳng, có thể ho khan hoặc kèm theo đờm.
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi, tương tự như triệu chứng cảm lạnh.
- Đỏ mắt, kích ứng và chảy nước mắt do viêm kết mạc.
- Phát ban của bệnh sởi thường xuất hiện từ 3-5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Phát ban sởi trông giống các đốm đỏ, phẳng dần hợp nhất với nhau để tạo thành các mảng lớn hơn. Phát ban thường xuất hiện ở mặt và chân tóc, sau đó lan xuống thân, cánh tay, cẳng chân và bàn chân.
Nếu trẻ có các triệu chứng giống với bệnh sởi, ba mẹ cần cho bé cách ly ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác để ngăn ngừa lây lan virus. Liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách quản lý các triệu chứng và xác định xem có cần đánh giá hoặc điều trị y tế thêm hay không.
Cách điều trị bệnh sởi bao gồm việc sử dụng các loại thuốc không kê đơn để hạ sốt và giảm bớt sự khó chịu, đảm bảo bé được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Đồng thời tránh tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc các chất kích thích có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Để phòng nguy cơ mắc bệnh sởi, trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch đều cần tiêm vắc xin. Vắc xin sởi có thể tiêm cho bé từ 9 tháng tuổi và cần tiêm đầy đủ 2 mũi. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên tới 98%.
- Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi mang virus sốt xuất huyết đốt (thường là do muỗi Aedes aegypti). Sốt xuất huyết có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng và trong một số trường hợp có thể đe dọa tính mạng.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện từ 4-10 ngày sau khi bị muỗi đốt:
- Thường bắt đầu bằng cơn sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày.
- Đau đầu dữ dội và có thể kèm theo đau sau mắt, đặc biệt là khi cử động mắt.
- Đau cơ và khớp nghiêm trọng, thường được mô tả là “sốt gãy xương” do cơn đau dữ dội.
- Một số trẻ bị sốt xuất huyết có thể bị buồn nôn, nôn mửa hoặc chán ăn.
- Phát ban có thể xuất hiện khoảng 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt, thường là phát ban dát sần, xuất hiện theo các mảng hoặc vết sưng đỏ trên da.
- Trong một số trường hợp, sốt xuất huyết có thể gây chảy máu nhẹ, chẳng hạn như chảy máu cam, chảy máu nướu hoặc dễ bị bầm tím.
Trong trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết có thể tiến triển thành tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là sốt xuất huyết nặng. Trẻ có triệu chứng chảy máu nghiêm trọng, đau bụng dữ dội, nôn mửa dai dẳng, thở gấp, da lạnh hoặc dính, suy nội tạng và rò rỉ huyết tương và có dấu hiệu sốc.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết. Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ sẽ được áp dụng để kiểm soát các triệu chứng bao gồm nghỉ ngơi, bù nước, dùng thuốc giảm đau và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nặng. Hiện thế giới đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng chưa có được cấp phép ở Việt Nam. Vì vậy, bố mẹ nên lưu ý cách phòng muỗi đốt như mắc màn khi ngủ, thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ, phát quang bụi rậm, lật úp các vật dụng chứa nước… để hạn chế muỗi sinh sản.
- Bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Đây là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu bao gồm viêm họng, mũi, thanh quản; họng đỏ, nuốt đau; da xanh, mệt mỏi, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng đau vùng cổ, có lớp phủ dày màu xám ở cổ họng và amidan được gọi là giả mạc bạch hầu.
Cách điều trị bệnh bạch hầu bao gồm dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và kháng độc tố để trung hòa độc tố. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể cần liệu pháp oxy và truyền dịch để kiểm soát các biến chứng. Ngoài ra, việc cách ly những trẻ bị nhiễm bệnh là điều cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Phòng ngừa bệnh bạch hầu là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bé và gia đình. Bé từ 2 tháng tuổi đã có thể tiêm phòng ngừa bạch hầu với các loại vắc xin kết hợp như vắc xin 6 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib), vắc xin 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib), vắc xin 4 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt).
- Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là tình trạng viêm và tích tụ dịch trong tai giữa xảy ra phổ biến ở trẻ em. Mặc dù viêm tai giữa thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể gây khó chịu và biến chứng nếu không được điều trị.
Triệu chứng của viêm tai giữa bao gồm đau tai, khó nghe, sốt, khó chịu và đôi khi chảy dịch từ tai. Khi nhận ra triệu chứng này ở trẻ, việc chăm sóc y tế kịp thời là rất quan trọng.
Cách điều trị nhiễm trùng tai giữa thường bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng do vi khuẩn, thuốc giảm đau để giảm bớt sự khó chịu và thuốc nhỏ tai để giảm viêm. Trong trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể khuyến nghị theo dõi mà không dùng kháng sinh.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến hệ tiết niệu. Mặc dù thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng UTI có thể gây khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng như tổn thương thận, nhiễm trùng máu. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.
Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: đi tiểu thường xuyên, cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu gấp không kiểm soát, đau hoặc khó chịu bụng dưới, nước tiểu có mùi hôi hoặc đục, có máu trong nước tiểu, sốt, khó chịu hoặc quấy khóc ở trẻ sơ sinh.
Cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu thường bao gồm một đợt kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng do vi khuẩn. Ba mẹ cần hoàn thành đủ đợt dùng thuốc kháng sinh của bác sĩ, kể cả khi ba mẹ thấy triệu chứng đã cải thiện trước khi dùng hết thuốc. Ngoài kháng sinh, các biện pháp hỗ trợ như bù đủ dịch cho bé, dùng thuốc kiểm soát cơn đau có thể được chỉ định thêm.
- Nhiễm trùng da
Nhiễm trùng da bao gồm các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng ảnh hưởng đến da của trẻ. Mặc dù nhiều bệnh nhiễm trùng da thường nhẹ và có thể điều trị bằng bôi thuốc tại nhà, nhưng một số có thể nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu chúng lây lan hoặc xảy ra ở những bé có hệ miễn dịch yếu.
Triệu chứng của nhiễm trùng da bao gồm: đỏ, nóng rát ở vùng bị ảnh hưởng, sưng hoặc viêm, đau hoặc nhức, ngứa hoặc kích ứng, phát ban hoặc mụn nước, có mủ hoặc dịch tiết ra từ vị trí nhiễm trùng, sốt hoặc ớn lạnh trong những trường hợp nặng.
Cách điều trị nhiễm trùng da tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: đối với nhiễm trùng da do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống hoặc bôi tại chỗ vào vùng da bị ảnh hưởng.
- Thuốc kháng nấm: đối với các trường hợp nhiễm nấm da như nấm ngoài da hoặc nấm bàn chân. Bác sĩ có thể chỉ định dùng kem chống nấm, thuốc bôi hoặc thuốc uống.
- Thuốc kháng virus: đối với các bệnh nhiễm trùng da do virus như herpes simplex hoặc bệnh zona, thuốc kháng virus giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.
- Thuốc chống ký sinh trùng: đối với các bệnh nhiễm trùng da do ký sinh trùng như ghẻ hoặc chấy rận, có thể cần dùng thuốc diệt ký sinh trùng.
- Chăm sóc hỗ trợ: đảm bảo vùng da bị ảnh hưởng sạch sẽ và khô ráo, được chườm ấm, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc chống ngứa nếu cần.
Ngoài việc điều trị, các biện pháp phòng ngừa như thực hành vệ sinh tốt, tránh dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm hoặc dao cạo râu, giữ vết thương sạch sẽ và băng kín có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng da.
Phòng khám Y khoa Gia đình
Để biết thêm thông tin chi tiết, đặt lịch khám..., vui lòng liên hệ FMP theo các kênh dưới:
☎️ 024 3843 0748- 117/119 (24/7)
✉️hanoi@vietnammedicalpractice.com
🏥298 i Kim Mã, Ba Đình, Hanoi