Dịch COVID-19
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới đang lên đỉnh điểm và toàn thế giới đang chung tay tìm hiểu cơ chế hoạt động của virus này và làm thế nào để chống lại nó. Bác sĩ Rafi Kot chia sẻ sự khác biêt của loại virus này với những dịch bệnh khác mà ông chứng kiến, nó có nguồn gốc từ đâu, và những gì chúng ta nên biết để sống cùng với nó.
Chúng ta đang chứng kiến sự bùng phát toàn cầu của một chủng virus Corona mới mang tên COVID-19. Hai đợt bùng phát chủng virus Corona trước đây là SARS và MERS gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 8%. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa SARS, MERS và COVID-19.
Về mặt lâm sàng, MERS và SARS là bệnh có thể phân biệt rõ ràng. Trong những đợt dịch đó, chúng ta dễ dàng xác định bệnh nhân và cách ly họ. Điều khác biệt của COVID-19 là có khả năng rất nhiều người bị nhiễm nhưng triệu chứng rất nhẹ. Chính vì vậy, rất khó phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 để cách ly họ. Mặt khác, cũng có những trường hợp một người có thể lây cho nhiều người hơn những người bệnh khác.
SARS không truyền từ người sang người cho đến khi bệnh nhân có những dấu hiệu lâm sàng. Nhưng với COVID-19, bệnh nhân với triệu chứng nhẹ cũng có thể lây cho người khác. Đã có giả định cho rằng một bệnh nhân nhiễm COVID19 có thể lây cho 2 đến 6 người khác.
Xét về hệ số lây nhiễm, một bệnh nhân cúm có thể lây cho 2 người, một bệnh nhân SARS có thể lây nhiễm tối đa cho 3 người, và sởi là bệnh có tỷ lệ lây nhiễm khá cao – một người có thể lây cho 12-18 người.
Biến chủng của Virus Corona
Để hiểu được virus lây lan như thế nào, chúng ta cần biết rằng TẤT CẢ chủng virus Corona có nguồn gốc từ động vật và động vật là vật chủ mang virus. Ở một giai đoạn nào đó, các virus này có thể tự biến đổi gen và lây nhiễm sang người. Và khi con người nhiễm bệnh, virus bắt đầu lây nhiễm từ người sang người với tốc độ nhanh chóng.
Virus COVID-19 tập trung tấn công hệ thống hô hấp - nơi là bàn đạp để làm tổn hại đến các cơ thể khác trong cơ thể.
15% bệnh nhân COVID-19 bị viêm phổi cấp tính (cả hai phổi đều bị tổn thương). Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh này. Bệnh nhân nhiễm trùng thứ cấp sẽ được điều trị bằng kháng sinh và thở oxy, và nếu tình trạng nặng hơn, bệnh nhân sẽ phải thở máy cho đến khi hồi phục.
Những triệu chứng khác của COVID-19 như sốt, viêm họng, đau cơ lại tương tự như cảm cúm. COVID-19 nghiêm trọng hơn cúm (tỷ lệ tử vong 1:1000) vì tỷ lệ tử vong của COVID-19 hiện từ 1-2%, nhưng không nghiêm trọng bằng SARS (tỷ lệ tử vong 8-9%). Tuy nhiên, rất khó để đánh giá các con số thực sự và thống kê đã có bao nhiêu người đã nhiễm bệnh vì họ có triệu chứng nhẹ hoặc rất nhẹ đủ để phát hiện ra. Đây cũng là một trong những lý do tại sao CDC bắt đầu kiểm tra các bệnh nhân có triệu chứng giống cúm tại 5 thành phố lớn của Hoa Kỳ để đề phòng virus COVID-19.
Ngăn chặn dịch COVID-19
Dịch SARS đã được ngăn chặn nhờ vào cách ly và có thể do điều kiện thời tiết, còn COVID-19 chúng ta chưa biết virus này có thể suy giảm khi thời tiết thay đổi không.
Thống kê về dịch COVID-19 hiện chưa cụ thể, do 2 nguyên nhân chính:
- Cơ chế lây nhiễm.
- Giới hạn của các xét nghiệm: chưa có xét nghiệm nhanh, và xét nghiệm chỉ được thực hiện cho bệnh nhân nghi nghiễm mà không phải toàn bộ dân số, dẫn đến việc không thể biết chính xác số lượng người nhiễm bệnh, dẫn đến đánh giá thấp tỷ lệ mắc bệnh và dịch bệnh.
Đã có vắc xin phòng ngừa COVID-19?
Sẽ mất ít nhất 1 năm đến 18 tháng để sản xuất ra vắc xin phòng ngừa COVID-19 (tùy thuộc vào việc WHO và CDC sẽ phê duyệt các thử nghiệm lâm sang), khi đó dịch bệnh này có thể sẽ được đẩy lùi. Bệnh nhân bị nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch tạm thời trong một vài năm, giúp hạn chế khả năng virus tự biến đổi gen hoặc do suy yếu của hệ thống miễn dịch của cơ thể theo thời gian.
Những con số được công bố có đáng tin cậy?
Cơ quan y tế trên toàn thế giới đang đối mặt với một tình huống phức tạp. Mọi người đang phải làm việc trên cơ sở thiếu thông tin, đó cũng là lý do mà các trung tâm kiểm soát dịch bệnh chỉ có thể được đánh giá sau vài chu kỳ bùng phát.
Khi tôi viết những dòng này (18/2), những con số mới nhất từ CCDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc) đang tăng lên. Theo dữ liệu mới nhất:
● 80,9% trường hợp bị các triệu chứng nhẹ hay rất nhẹ và đã hồi phục.
● 13,8% trong tình trạng trung bình đến cấp tính
● 4,7% đang trong tình trạng nguy kịch.
Tỷ lệ người lớn tử vong do COVID-19 khá cao, ở 2,3% số người nhiễm bệnh, và tại Hồ Bắc là 2,9%.
● Người cao tuổi > 80 tuổi, có tỷ lệ tử vong cao nhất 14,8%.
● Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận ở trẻ em dưới 9 tuổi.
● Tỷ lệ tử vong dưới 39 tuổi ở mức thấp 0,2%.
● Người lớn trên 40 tuổi có tỷ lệ tử vong 0,4%; trên 50 là 1,3%; và hơn 60 là lên 3,6%.
● Nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn nữ giới, cụ thể 2,8% ở nam giới và 1,7% ở nữ giới.
● Bệnh nhân tim mạch phải đối mặt với nguy cơ cao nhất, tiếp theo là bệnh nhân tiểu đường và những người mắc bệnh hô hấp.
Những số liệu thống kê dùng để đưa ra những con số trên khá bao quát. Người dân thường hoang mang, lo lắng liệu những báo cáo mà các quốc gia đưa ra có phản ánh đúng tình trạng dịch bệnh hay những trường hợp nhẹ đã bị bỏ sót. Thực tế những con số thống kê này không thể phản ánh chính xác tình trạng dịch bệnh và khả năng kiểm soát dịch của địa phương, vì có khả năng dịch bệnh đang diễn ra một cách âm thầm và chưa bùng phát.
Đó là lý do tại sao CDC đang nỗ lực thực hiện các xét nghiệm cho bệnh nhân cúm tại 5 thành phố của Hoa Kỳ để xác định COVID-19, bao gồm New York, Chicago, Seattle, San Francisco và Los Angeles. Các xét nghiệm sẽ được thực hiện cho những bệnh nhân nhiễm cúm hay có các triệu chứng tương tự cúm. Những xét nghiệm này sẽ giúp chính quyền và CDC sớm phát hiện và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời – điều mà Trung Quốc đã không thực hiện, dẫn đến bùng phát dịch COVID-19. Đã có khoảng 600 bệnh nhân trở về từ Trung Quốc và hiện đang được cách ly để theo dõi, trong đó có một bệnh nhân dương tính với virus Corona cách đây vài ngày. Nhiều quốc gia và WHO nhận định rằng chúng ta đang đối mặt với một vấn đề toàn cầu mà không thể được giải quyết trong 2-3 tuần tới, và không thể ngăn chặn việc lan rộng sang các nước phương Tây.
Nói tóm lại, chúng ta nên tỉnh táo để không bị ảnh hưởng bởi những tin đồn hay phim ảnh được cố tình tạo ra để gây hoang mang dư luận.
Việc quan trọng là các cơ quan chức năng cần có tiếng nói cập nhật hàng ngày và công bố minh bạch các ca nhiễm bệnh cho Việt Nam và khu vực. Tuy nhà nước đã phát triển một ứng dụng để cập nhật về COVID-19, nhưng theo tôi, đây không phải là căn bệnh của các thiết bị điện tử - đây là bệnh của loài người. Và do đó, chúng ta cần được cập nhật hàng ngày từ một cá nhân của cơ quan chức năng.
Chúng ta đã chiến thắng những dịch bệnh như SARS, cúm gà. Và lần này chúng ta cũng sẽ chiến thắng.
*Nguồn: CDC