Khám Sức Khỏe Định Kỳ cho Trẻ
Là một bác sĩ Nhi Khoa, tôi có cơ hội được tiếp xúc với trẻ em mỗi ngày và đây cũng là niềm vui trong nghề nghiệp mà tôi đã chọn.
Thường thì phụ huynh chỉ đưa trẻ đi khám khi các bé bị bệnh, tuy nhiên thăm khám bé “khi không có bệnh” cũng khá quan trọng. Ý tôi muốn đề cập ở đây là tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ từ sơ sinh cho đến tuổi thiếu niên, bao gồm cả kiểm tra thể chất và tinh thần. Chúng ta cần đảm bảo trẻ đạt được những cột mốc tăng trưởng quan trọng và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn và nếu có gì bất thường thì những phát hiện sớm sẽ được điều trị tức thì.
Một ví dụ điển hình là khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Theo nghiên cứu thì sự tăng trưởng của trẻ sẽ đi kèm với sự phát triển ngôn ngữ. Một vài trường hợp bé sẽ chậm nói hơn trẻ đồng trang lứa, tình trạng này có thể gây ra bởi vấn đề tâm lý chẳng hạn như tự kỷ. Hoặc cũng có thể bởi lý do khách quan như trẻ lớn lên trong gia đình đa ngôn ngữ, tại giai đoạn tập nói bé sẽ phải phát triển hai ngôn ngữ hoặc nhiều hơn trong cùng một lúc. Nếu bé chưa có thể diễn đạt bằng lời nói, nhưng vẫn có thể nghe và hiểu thì cũng không đáng lo ngại quá.
Như đã đề cập bên trên, nếu có phát hiện bất thường sớm thì chúng ta có thể điều trị dễ hơn. Nếu một đứa bé 2 tuổi nhưng khả năng ngôn ngữ chỉ bằng bé một tuổi rưỡi. Khoảng cách của vấn đề này là 6 tháng và có thể được điều chỉnh ngay. Vậy sẽ tốt hơn nếu vấn đề được phát hiện khi trẻ đã 3-4 tuổi thì chúng ta sẽ mất nhiều thơi gian hơn và khó hơn để giúp bé khắc phục. Nếu cần thiết chúng tôi sẽ tư vấn phụ huynh nên đưa bé đi điều trị chuyên khoa. Tại các nước phương Tây thì trẻ sơ sinh hầu hết được kiểm tra sức khỏe tổng quát. Việc này có thể giúp phát hiện phát hiện bệnh nhược tuyến giáp bẩm sinh. Trẻ sẽ được kê thuốc điều trị sớm và sau này vẫn có thể phát triển khỏe mạnh bình thường.
Giai đoạn 5 năm đầu đời của trẻ là bước phát triển quan trọng nên tần suất kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ nhiều hơn. Trẻ sơ sinh nên được khám tổng quát lần đầu ngay sau khi xuất viện, tiếp theo là các cột mốc 1 tháng, 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 30 tháng, 36 tháng. Và sau đó là mỗi năm 1 lần.
Thông thường khi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ nhỏ sẽ đi cùng với theo dõi lịch tiêm chủng. Đây cũng là cơ hội để phụ huynh có thể trao đổi với bác sĩ những lo lắng nếu có, ví dụ như chế độ dinh dưỡng phù hợp hay những thông số cơ thể như vòng đầu của trẻ. Ngoài ra chúng tôi còn tư vấn phụ huynh những vấn đề khác xung quanh việc nuôi con như cách cho bé ăn khỏe mạnh và phòng tránh những tai nạn đáng tiếc nếu bé bước vào tuổi tập bò hay tập đi.
Hầu hết phụ huynh rất hài lòng với tư vấn chuyên môn từ chúng tôi, nhưng cũng đôi khi chúng tôi gặp những trường hợp khác văn hóa. Ví dụ như có nhiều phụ huynh cho rằng trẻ bụ bẫm là khỏe mạnh, nhưng đứng ở phương diện bác sĩ, chúng tôi lại thấy những vấn đề đáng lo ngại. Do trẻ thừa cân sẽ tiềm ẩn những căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim, đái tháo đường hay vấn đề tâm lý khi trưởng thành. Hiện nay phòng khám có chương trình tư vấn dinh dưỡng riêng cho trẻ em nên tôi thường đề nghị phụ huynh nên đặt hẹn khám dinh dưỡng nếu trẻ thừa hoặc thiếu cân.
Hiện tôi làm việc tại Sài Gòn và tôi chưa gặp phụ huynh nào từ chối việc tiêm chủng. Một vài phụ huynh có thắc mắc rằng tại sao nên tiêm chủng những vắc xin mà họ chưa được tiêm tại nước của họ. Câu trả lời của tôi là chúng ta nên tuân theo lịch tiêm chủng của quốc gia mà chúng ta đang sinh sống, do vi rút và dịch bệnh tại mỗi khu vực là khác nhau. Ví dụ như vắc xin ngừa bệnh thủy đậu không cần tiêm tại một số nước Châu Âu nhưng lại được khuyến nghị tiêm chủng tại Việt Nam. Đây là vắc xin khá quan trọng do nếu người mẹ mắc bệnh thủy đậu trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
Các trường quốc tế tại Việt Nam thường yêu cầu trẻ phải hoàn tất danh sách một số vắc xin trước khi nhập học. Mỗi trường sẽ có phiếu yêu cầu kiểm tra sức khỏe khác nhau nhg hầu hết các yêu cầu đều giống nhau, bao gồm xét nghiệm Lao qua da. Xét nghiệm máu và nước tiểu thường không cần thiết. Nếu trẻ không có sổ tiêm chủng thì chúng tôi sẽ phải xét nghiệm kháng thể và tiêm chủng nếu cần.
Trước khi kết thúc bài chia sẻ, tôi muốn nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu đời. Phòng ngừa lúc nào cũng hơn là chữa bệnh. Chúng ta nên có cách nhìn toàn diện sức khỏe tăng trưởng của trẻ hơn là chỉ thăm khám khi trẻ đau ốm.
Tôi xin chúc các bậc phụ huynh và các bé yêu nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
Bs. Agnes Viay - Nhi Khoa, Phòng Khám Gia Đình