Bệnh Tay - Chân - Miệng

THÔNG TIN Y TẾ: THÁNG 10/2018

Bệnh Tay - Chân - Miệng

Trong thời gian gần đây, đội ngũ bác sĩ Nhi tại Family Medical Practice tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhiễm Tay

Chân Miệng (TCM). Số trẻ mắc bệnh TCM hiện đang gia tăng đáng báo động và có thể bùng phát thành dịch.

TCM thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, do đó nhà trường và phụ huynh cần có các biện pháp ngăn ngừa và

hạn chế lây nhiễm.

Bệnh Tay – Chân – Miệng là một bệnh nhiễm siêu vi với nổi ban đỏ ở da và tổn thương miệng điển hình. Bệnh này gây ra bởi vi-rút có tên Enterovirus. Chỉ một vài nhóm siêu vi gây bệnh này, thường gặp nhất là vi rút A16 (nhưng không liên quan đến bệnh “ Lở mồm, long móng” ở gia súc). Bệnh này thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ chập chững đi. Người lớn thường là người lành mang bệnh. Trong nhiều năm qua, bệnh này đã thành một bệnh dịch hoành hành trên khắp khu vực Đông Nam Á.

Sau giai đoạn ủ bệnh từ 4 – 6 ngày, trẻ có thể bị sốt nhẹ, đau họng và chán ăn uống. Những thương tổn ở miệng khởi đầu như những mụn nước nhỏ rồi biến thành những vết loét vàng nhạt. Chúng mọc ở khắp nơi trong miệng, nhiều nhất là vòm khẩu cái. Không lâu sau, một vài mụn đỏ có thể xuất hiện ở tay, chân và thỉnh thoảng ở mông. Chúng dần dần biến thành những mụn nước nhỏ màu vàng xám. Bệnh kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Cơ thể trẻ tạo được kháng thể trung hòa nên tình trạng tái nhiễm ít xảy ra. Bệnh viêm họng mụn nước cũng là tình trạng nhiễm tương tự nhưng chỉ ảnh hưởng tới miệng mà thôi.

Việc chăm sóc chính cho trẻ nhiễm bệnh Tay – Chân – Miệng là đảm bảo trẻ uống đủ nước trong ngày kèm thuốc giảm đau và hạ sốt. Súc miệng bằng nước muối cũng có thể giúp giảm đau. Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm và lạnh (kể cả kem). Thuốc thường dùng là Paracetamol (như Efferalgan, Panadol,Tylenol) và Ibuprofen (như Advil, Nurofen). Cả hai đều rất hiệu quả và an toàn. Trong khi dùng Ibrufen, phải đảm bảo trẻ uống đủ nước.

Siêu vi Enterovirus lây lan qua nước bọt và phân. Vì vậy để hạn chế tối đa sự lây nhiễm, cần giữ vệ sinh sạch sẽ và tránh dùng chung vật dụng như dao, muỗng, nĩa, đũa hay tiếp xúc qua miệng ở trẻ. Điều quan trọng là rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh, đặc biệt ở nhà trẻ và các trung tâm chăm sóc trẻ em.

Bệnh TCM thường nhẹ và không gây biến chứng lâu dài. Biến chứng về thần kinh và tim mạch tuy hiếm nhưng vẫn xảy ra và dẩn đến tử vong.

Những trường hợp biến chứng nặng thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

Nên đưa trẻ đi khám ngay nếu gặp những triệu chứng sau:

  • Sốt lừ đừ
  • Nhức đầu
  • Nôn ói
  • Đi tiểu ít
  • Đau ngực
  • Thở khó
  • Co giật