Tắc Nghẽn Đường Thở

Khi nạn nhân bị tắc nghẽn đường thở một phần hay hoàn toàn, các hệ thống quan trọng trong cơ thể sẽ không được cung cấp oxy để duy trì sự sống.

Khi nạn nhân bị mắc nghẹn hay tắc nghẽn đường thở, điều quan trọng là phải phản ứng nhanh và khai thông đường thở cho nạn nhân. Tắc nghẽn đường thở thường gây ra bởi thức ăn khi đang nhai, cười nói khi đang ăn, răng giả, hoặc dị vật trong miệng (thường xảy ra ở trẻ em).

Nếu nạn nhân bị tắc nghẽn đường thở một phần, hơi thở sẽ phát ra âm thanh khò khè, hãy cố gắng giúp nạn nhân ho để có thể tống dị vật ra. Nếu nạn nhân không thể ho và nói được thì gọi ngay tổng đài cấp cứu *9999.

Nếu bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, nạn nhân sẽ ôm cổ, không thể thở và mặt sẽ tím tái, phải nhanh chóng thực hiện khai thông đường thở cho nạn nhân theo các bước sau.

-----------------------------------------------

  1. Quan sát hiện trường.
  2. Hỏi nạn nhân “Anh đang mắc nghẹn phải không? Có ho được không?”
  3. Nhờ người xung quanh gọi cấp cứu (gọi *9999 nếu ở TP. HCM).
  4. Hướng nạn nhân cúi người về phía trước (nếu là trẻ nhỏ thì đặt trẻ trên gối).
  5. Vỗ mạnh 5 lần vào lưng nạn nhân để tống dị vật ra.
  6. Nếu dị vật vẫn chưa được tống ra, chuyển sang thực hiện nghiệm pháp Heimlich.
  7. Đứng sau nạn nhân, cánh tay quấn quanh eo nạn nhân.
  8. Nắm một tay lại. Sau đó đặt vị trí của ngón tay cái vào dạ dày của nạn nhân, bên dưới xương sườn và phía trên rốn, tại đây có thể cảm nhận thấy cơ hoành.
  9. Đặt bàn tay kia lên nắm tay và đẩy vào cơ này với một lực mạnh, vào trong và hướng lên trên.
  10. Tiếp tục đẩy cho đến khi dị vật được tống ra.
  11. Kiểm tra ý thức của nạn nhân sau mỗi lực đẩy.

Nếu nạn nhân bất tỉnh, đặt nạn nhân nằm xuống sàn và thực hiện các bước sơ cứu như trường hợp ngưng tim ngưng thở.

------------------------------------------------

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, không được thực hiện nghiệm pháp Heimlich, mà chỉ sử dụng ngón tay để nhấn ngực như thực hiện CPR.

Trang Sau