Các bệnh trẻ em thường gặp ở hệ hô hấp

Các bệnh trẻ em thường gặp ở hệ hô hấp

Cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh thông thường là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra (phổ biến nhất là rhinovirus). Bệnh thường ảnh hưởng đến mũi và cổ họng. Cảm lạnh thông thường không quá nguy hiểm nhưng có thể làm cho trẻ bị khó chịu và gây gián đoạn một số hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em lúc giao mùa.

Triệu chứng của cảm lạnh thường bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, đau họng, sốt nhẹ, mệt mỏi và đôi khi đau nhức cơ thể nhẹ. Khi nhận thấy con có những triệu chứng này, ba mẹ hãy đảm bảo cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước và giữ vệ sinh cá nhân tốt để ngăn ngừa lây lan virus sang người khác.

Cách điều trị cảm lạnh hướng đến mục tiêu giảm triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ để nâng cao phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc không kê đơn để giảm triệu chứng (ví dụ như thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt), hướng dẫn sử dụng nước muối sinh lý hoặc thuốc xịt để trị nghẹt mũi, cho dùng viên ngậm hoặc súc miệng bằng nước muối ấm để trị đau họng.

Cúm

Cúm là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus Influenza gây ra, bệnh lây lan nhanh và mạnh trong môi trường tiếp xúc đông người hoặc trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm thấp. Cúm có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như viêm phổi, viêm tai, viêm phế quản, viêm não,… Một số trường hợp bị tử vong nếu không điều trị kịp thời. Đây là một bệnh ở trẻ em cần được lưu tâm.

Triệu chứng của bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột bao gồm sốt vừa đến cao, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt, bị ho nặng và kéo dài, trẻ em bị cúm thường kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy). Khi ba mẹ nhận thấy triệu chứng trẻ bị cúm, hãy cho con nghỉ học ở nhà để tránh lây lan virus, cho bé nghỉ ngơi và uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước.

Cách điều trị cúm tập trung vào việc làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus cho trẻ, đặc biệt là bé nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ sinh non hoặc có hệ miễn dịch bị suy giảm. Thuốc không kê đơn cũng có thể được chỉ định để hạ sốt, giảm đau và trị nghẹt mũi.

Các chuyên gia y tế khẳng định phòng ngừa là chìa khóa quan trọng để quản lý bệnh cúm. Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm ngừa cúm, cả gia đình nên tiêm phòng cúm hàng năm để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, ba mẹ cần làm gương và dạy cho trẻ về thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, dọn dẹp phòng ốc để ngăn ngừa nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh.

⇒ Bạn có thể tìm hiểu thêm: các bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi

Viêm họng

Viêm họng là triệu chứng phổ biến ở trẻ em gây cảm giác đau, ngứa và kích ứng ở cổ họng. Trẻ bị viêm họng có thể do nhiễm virus, vi khuẩn, bị dị ứng, tiếp xúc với khói thuốc hoặc do thời tiết hanh khô. Viêm họng có thể cản trở khả năng ăn, uống hoặc nói chuyện của bé, một số trường hợp viêm họng kéo dài sẽ bị sốt, ho, sổ mũi hoặc sưng hạch. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.

Để giảm triệu chứng viêm họng, ba mẹ hãy cho bé nghỉ ngơi, uống nhiều nước ấm, đảm bảo không khí trong phòng đủ độ ẩm, tránh cho bé tiếp xúc khói thuốc. Nếu bé bị đau họng kèm theo sốt, ho dai dẳng, khó nuốt hoặc sưng hạch, ba mẹ cho con đi thăm khám với bác sĩ. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau họng, bác sĩ có thể cho bé thuốc giảm đau không kê đơn, viên ngậm trị đau họng hoặc thuốc kháng sinh nếu đau họng do vi khuẩn gây ra.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm đường dẫn không khí trong phổi (ống phế quản), bé có thể bị viêm phế quản cấp tính do nhiễm virus hoặc mạn tính do tiếp xúc với khói thuốc trong lâu dài. Đây là một trong các bệnh trẻ em thường gặp.

Triệu chứng bệnh viêm phế quản thường bao gồm ho (có thể có đờm), thở khò khè, tức ngực, sốt nhẹ và một số bé bị khó thở. Mặc dù viêm phế quản cấp tính thường không nghiêm trọng và có thể khỏi trong vòng vài tuần nếu được chăm sóc đúng cách, nhưng tình trạng này gây khó chịu cho trẻ, đặc biệt nếu bé mắc các bệnh lý hô hấp như hen suyễn.

Khi nhận thấy các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ, ba mẹ hãy đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước, sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát để giúp làm ẩm không khí và làm dịu đường hô hấp. Nếu các triệu chứng dai dẳng hoặc trở nên trầm trọng hơn, trẻ cảm thấy khó thở, ba mẹ hãy đưa bé đi thăm khám bác sĩ kịp thời.

Cách điều trị viêm phế quản có thể bao gồm dùng thuốc để giảm triệu chứng, chẳng hạn như thuốc giãn phế quản hoặc corticosteroid, kết hợp với các biện pháp chăm sóc thích hợp.

Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng phổi bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Trong trường hợp nặng, viêm phổi có thể dẫn đến các biến chứng như suy hô hấp hoặc nhiễm trùng huyết. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.

Triệu chứng viêm phổi tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, thông thường trẻ bị viêm phổi có biểu hiện ho, sốt, hơi thở ngắn, gấp gáp, đau ngực, khó thở, mệt mỏi. Một số trường hợp bé bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nếu ba mẹ thấy con có triệu chứng ho dai dẳng, khó thở, hơi thở gấp gáp hoặc bị sốt, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể kiểm tra thể chất, yêu cầu chụp X-quang ngực hoặc xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác.

Cách điều trị viêm phổi ở trẻ em tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm phổi do vi khuẩn, bé thường cần sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, bé cũng cần được chăm sóc hỗ trợ để giảm triệu chứng như nghỉ ngơi, bù nước, dùng thuốc hạ sốt và trong một số trường hợp nặng, bé có thể cần nhập viện thở oxy.

Bệnh viêm phổi có thể phòng ngừa được bằng vắc xin! Các bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ chủ yếu là do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn hoặc do biến chứng từ một số bệnh truyền nhiễm (như cúm, ho gà, sởi,…) có thể dễ dàng ngăn ngừa bằng vắc xin.

Do đó, ba mẹ lưu ý tiêm chủng đầy đủ cho con, đặc biệt là vắc xin phế cầu khuẩn, vắc xin cúm, vắc xin phòng bệnh do Hib,… Ngoài ra, xây dựng thói quen vệ sinh cá nhân tốt, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khuyến khích bé tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng giúp giảm nguy cơ bị viêm phổi.

Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng mô lót xoang. Xoang là những khoang rỗng nằm trong hộp sọ, ở vị trí xung quanh mắt và mũi, có chức năng tiết ra chất nhầy giúp làm ẩm không khí trẻ hít thở. Khi xoang bị tắc nghẽn và chứa đầy dịch, vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể phát triển và dẫn đến nhiễm trùng. Ở trẻ em, viêm xoang có thể do nhiều nguyên nhân bao gồm nhiễm virus, vi khuẩn, dị ứng, các vấn đề về cấu trúc như lệch vách ngăn hoặc polyp mũi. Đây là một trong các bệnh hay gặp ở trẻ em.

Triệu chứng của viêm xoang ở trẻ có thể bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi đặc màu vàng hoặc xanh, đau hoặc tức mặt, ho, đau họng, nhức đầu và đôi khi sốt. Nếu trẻ có các triệu chứng giống bệnh viêm xoang, đặc biệt nếu triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày hoặc nặng hơn theo thời gian, ba mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Cách điều trị viêm xoang cho trẻ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các biện pháp thường được sử dụng nhất là thúc đẩy dẫn lưu xoang bằng cách rửa mũi bằng nước muối, sử dụng thuốc thông mũi, thuốc xịt mũi và thuốc giảm đau. Nếu viêm xoang là do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh cho bé.

Ho gà

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Ho gà ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp của trẻ, gây ra những cơn ho dữ dội và kéo dài. Bệnh ho gà rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.

Triệu chứng của bệnh ho gà thường tiến triển qua các giai đoạn. Ban đầu, triệu chứng có thể bao gồm sổ mũi, ho nhẹ, hắt hơi và sốt nhẹ. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.

Đặc trưng của cơn ho gà là các cơn ho dữ dội, rũ rượi từng cơn liên tục, sau đó thở rít nghe như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Nếu trẻ có các triệu chứng giống với bệnh ho gà, đặc biệt nếu bé chưa được tiêm phòng hoặc có nguy cơ cao do tuổi còn nhỏ hoặc mắc bệnh lý nào đó, ba mẹ cần đưa bé đi bác sĩ ngay lập tức để được can thiệp kịp thời.

Cách điều trị bệnh ho gà ở trẻ em bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh để giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh lây lan cho người khác. Ngoài ra, các biện pháp chăm sóc hỗ trợ có thể được khuyến nghị để giảm ho và đảm bảo trẻ luôn được cung cấp nước và nghỉ ngơi đầy đủ.

Phòng ngừa bệnh ho gà là rất cần thiết. Tiêm chủng không chỉ bảo vệ cá nhân cho trẻ mà còn giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ho gà trong cộng đồng. Ba mẹ có thể tiêm các loại vắc xin kết hợp phòng bệnh ho gà cho bé bao gồm: vắc xin 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa, vắc xin 5 trong 1 Pentaxim hoặc SII hoặc Infanrix IPV+Hib, vắc xin 4 trong 1 Tetraxim từ 2 tháng tuổi, vắc xin 3 trong 1 Adacel hoặc Boostrix tiêm cho trẻ từ 4 tuổi.

Ngoài ra, xây dựng thói quen vệ sinh cá nhân tốt và tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Virus hợp bào hô hấp (RSV)

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là loại virus đường hô hấp phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. RSV rất dễ lây lan qua các giọt nước từ đường hô hấp hoặc do chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em.

Triệu chứng khi bị nhiễm RSV có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng, bao gồm nghẹt mũi, sổ mũi, ho, hắt hơi, sốt, thở khò khè, khó thở và chán ăn. Trẻ sơ sinh đặc biệt có nguy cơ cao bị các biến chứng nghiêm trọng như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Nếu trẻ biểu hiện các triệu chứng giống với RSV, đặc biệt là bị khó thở hoặc các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn nhanh chóng, ba mẹ hãy đưa bé đi bác sĩ.

Cách điều trị nhiễm RSV ở trẻ em thường tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và chăm sóc bằng cách đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi nhiều, bù đủ dịch cho bé, sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát để giúp giảm nghẹt mũi và sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm RSV ở trẻ em bao gồm thực hành vệ sinh tay tốt, tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng hô hấp và giảm thiểu tiếp xúc với môi trường đông đúc hoặc thông gió kém, đặc biệt là trong mùa RSV cao điểm là mùa thu và đông.

Phòng ngừa các bệnh trẻ em thường gặp bằng cách nào?

1. Tiêm chủng để bảo vệ trẻ

Tiêm chủng là công cụ quan trọng bảo vệ trẻ em chống lại các bệnh khác nhau bằng cách kích thích hệ miễn dịch của bé tạo ra kháng thể. Chỉ riêng vắc xin sởi ước tính đã ngăn ngừa được hơn 21 triệu ca tử vong từ năm 2000 đến năm 2017. Ba mẹ đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp ngăn ngừa những căn bệnh gây tổn hại nghiêm trọng hoặc tử vong, đặc biệt là trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa phát triển.

⇒ Xem thêm: 10 cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trẻ em hiệu quả.

2. Cơ thể của trẻ cần được giữ ấm

Việc duy trì nhiệt độ cơ thể thích hợp là điều cần thiết đối với trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì trẻ rất dễ bị nhiệt độ tác động. Ba mẹ cần chuẩn bị quần áo phù hợp và điều chỉnh nhiệt độ phòng để giúp ngăn ngừa các tình trạng hạ thân nhiệt và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trong mùa lạnh.

3. Dạy cho bé thói quen vệ sinh cá nhân thường xuyên

Ba mẹ hãy tích cực rèn luyện các thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ như rửa tay, chăm sóc răng miệng, tắm rửa, dọn dẹp phòng ốc để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng và giảm khả năng nhiễm trùng. Dạy sớm những thói quen này sẽ thúc đẩy các hành vi có ý thức về sức khỏe suốt cuộc đời khi bé trưởng thành. Đây là một trong những cách ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ em.

4. Giữ môi trường sống thông thoáng

Việc thông gió đầy đủ trong không gian sống là rất quan trọng để duy trì chất lượng không khí trong nhà, giảm nồng độ chất ô nhiễm và ngăn ngừa sự tích tụ của mầm bệnh trong không khí. Thông gió thích hợp giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng, tăng cường sức khỏe tổng thể cho trẻ.

5. Cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học và vệ sinh cho trẻ

Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng là điều cần thiết để hỗ trợ sự tăng trưởng, phát triển và chức năng miễn dịch của trẻ. Thực phẩm tốt cho sức khỏe là những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, không có hoặc ít đường, chất béo bão hòa hoặc muối. Ba mẹ hãy bổ sung những món ăn sau vào thực đơn của bé:

  • Chất đạm: hải sản, thịt nạc và thịt gia cầm, trứng, đậu, đậu Hà Lan, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt và hạt không ướp muối.
  • Trái cây: ăn nhiều trái cây tươi, đóng hộp, tránh trái cây sấy khô vì có nhiều đường và chất bảo quản.
  • Rau: ưu tiên ăn nhiều rau tươi, các loại đậu như đậu Hà Lan hoặc các loại rau nhiều màu sắc (như ớt chuông) sẽ rất tốt cho sức khỏe của bé.
  • Hạt: ăn ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, gạo lứt hoặc gạo tự nhiên.
  • Sản phẩm bơ sữa: khuyến khích con ăn và uống các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, chẳng hạn như sữa chua và phô mai. Đồ uống đậu nành cũng là lựa chọn tốt.

6. Cho bé tham gia các hoạt động thể chất

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và tăng cường hệ thống miễn dịch. Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, duy trì cân nặng phù hợp và cải thiện tâm trạng, góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và nhiễm trùng. Đây là một trong những phương pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ em hiệu quả.

WHO đưa ra hướng dẫn về hoạt động thể chất dành cho trẻ em như sau:

  • Dưới 1 tuổi: bé cần hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày, ba mẹ có thể cho bé nằm trên sàn và tương tác với con (cho bé với, cầm, nắm, vỗ nhẹ hai tay vào nhau,…). Ngoài ra, ba mẹ có thể cho bé tập nằm sấp khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Từ 1-2 tuổi: dành ít nhất 180 phút cho nhiều loại hoạt động thể chất với nhiều cường độ khác nhau, bé không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài.
  • Từ 3-4 tuổi: dành ít nhất 180 phút cho nhiều hoạt động thể chất ở mọi cường độ, trong đó ít nhất 60 phút là hoạt động thể chất với cường độ vừa phải đến mạnh, trải đều trong ngày, càng nhiều càng tốt.
  • Từ 5-17 tuổi: nên thực hiện ít nhất trung bình 60 phút mỗi ngày với cường độ từ trung bình đến mạnh, chủ yếu là hoạt động thể chất, aerobic trong suốt cả tuần. Trẻ trong độ tuổi này cần kết hợp các hoạt động aerobic cường độ mạnh cũng như các hoạt động tăng cường cơ và xương, ít nhất 3 ngày một tuần.

7. Phòng bệnh khi bé đến nơi đông người

Khi đưa trẻ sơ sinh đến những nơi đông người, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu việc trẻ tiếp xúc với vi trùng, mầm bệnh. Điều này bao gồm thực hành vệ sinh tay tốt, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và đảm bảo họ tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm.

8. Hạn chế để bé tiếp xúc với người có mầm bệnh

Giảm thiểu tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc mang mầm bệnh truyền nhiễm giúp giảm nguy cơ lây truyền cho trẻ. Biện pháp phòng ngừa này đặc biệt quan trọng trong thời điểm dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ em và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

9. Tránh xa khói bụi, khói thuốc, không khí độc hại

Các yếu tố môi trường như khói bụi, khói thuốc lá, các chất ô nhiễm trong không khí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hô hấp và làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật. Ba mẹ hãy tạo ra môi trường sống không khói thuốc và giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm giúp bảo vệ sức khỏe hô hấp và sức khỏe tổng thể của trẻ.

10. Tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ

WHO khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời và có thể kéo dài đến khi bé được 2 tuổi. Sữa mẹ cung cấp cho trẻ sơ sinh các dưỡng chất, kháng thể và yếu tố miễn dịch cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng. Đây là một trong những cách để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh thường gặp ở trẻ em.

⇒ Xem thêm: 10 cách tăng đề kháng cho trẻ nhỏ, hiệu quả cho trẻ hay ốm vặt.

11. Chú ý đến trẻ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh

Việc theo dõi trẻ sự thay đổi về hành vi, cảm giác thèm ăn hoặc các triệu chứng thể chất sẽ giúp phát hiện sớm bệnh tật. Việc nhận biết kịp thời và quản lý các triệu chứng một cách thích hợp có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi, đảm bảo trẻ nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời khi cần thiết.

⇒ Xem thêm: Các căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh: Các bệnh nguy hiểm cần phòng ngừa.

Những sai lầm bố mẹ cần tránh khi bé mắc bệnh

1. Tự ý mua thuốc cho bé uống

Việc cho trẻ uống thuốc mà không có hướng dẫn y tế phù hợp có thể gây nguy hiểm. Ba mẹ có thể bị sai sót về liều lượng, gặp những phản ứng bất lợi và phương pháp điều trị không phù hợp (ví dụ mua thuốc kháng sinh cho trẻ bị nhiễm virus). Do đó, ba mẹ luôn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn và phù hợp với tình trạng của trẻ.

2. Ủ ấm quá mức

Việc quấn bé hoặc sưởi ấm quá mức trẻ bị bệnh có thể dẫn đến sự khó chịu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng, đặc biệt nếu trẻ bị sốt. Thay vào đó, ba mẹ hãy duy trì không gian sống, sinh hoạt thoải mái nhưng không quá nóng, bí, ngột để hỗ trợ quá trình phục hồi của trẻ.

3. Cho bé ăn những thực phẩm khó tiêu hóa, không rõ nguồn gốc

Việc cho trẻ ăn những thức ăn lạ hoặc khó tiêu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa và kéo dài thời gian hồi phục. Khi bé bị bệnh, ba mẹ nên ưu tiên sử dụng những thực phẩm nhạt, dễ tiêu hóa được các bác sĩ khuyến nghị để giảm thiểu sự khó chịu và hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong thời gian bị bệnh.

4. Chủ quan không đến bác sĩ khi có các triệu chứng

Việc bỏ qua hoặc xem nhẹ các triệu chứng và tránh chăm sóc y tế dựa trên đánh giá chủ quan có thể trì hoãn việc chẩn đoán và điều trị thích hợp. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời là rất quan trọng để xác định các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và đảm bảo các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi và sức khỏe của trẻ.

5. Lo lắng, căng thẳng làm cho bé bị căng thẳng theo

Trẻ em có thể tiếp thu cảm xúc của người chăm sóc, ba mẹ lo lắng hoặc căng thẳng quá mức có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và khả năng phục hồi của bé. Vì vậy, ba mẹ hãy duy trì thái độ bình tĩnh để giúp giảm bớt căng thẳng cho trẻ và thúc đẩy niềm tin tích cực về điều trị, trẻ có tinh thần tốt sẽ phục hồi nhanh hơn và kết quả được cải thiện.

Kết luận

Trang bị kiến thức về các bệnh thường gặp ở trẻ em giúp ích rất lớn cho ba mẹ trong việc bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của con. Khi hiểu cơ chế, tác động của các bệnh phổ biến ở trẻ em, ba mẹ sẽ lưu ý phòng ngừa hiệu quả cho con hơn.

Trong đó, tiêm chủng đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những căn bệnh có thể phòng ngừa được và những hậu quả tàn khốc của chúng. Ba mẹ hãy chủ động tiêm vắc xin đầy đủ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tạo ra một tương lai khỏe mạnh hơn cho con em mình, một tương lai mà bé không phải chịu gánh nặng bệnh tật.


Phòng khám Gia Đình- Family Medical Practice tại quận Ba Đình, Hà Nội

Để biết thêm thông tin chi tiết, đặt lịch khám..., vui lòng liên hệ FMP theo các kênh dưới:

☎️ 024 3843 0748- 117/119 (24/7)

✉️hanoi@vietnammedicalpractice.com

🏥298 i Kim Mã, Ba Đình, Hanoi