Các bước chăm sóc trẻ bị cúm A nhanh khỏi, an toàn, không biến chứng

Các bước chăm sóc trẻ bị cúm A nhanh khỏi, an toàn, không biến chứng
Cúm A là một bệnh do virus gây ra, dễ lây lan và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Khi trẻ mắc cúm A, việc chăm sóc đúng cách không chỉ giúp trẻ nhanh khỏi mà còn ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hay suy hô hấp. Dưới đây là các bước chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà an toàn, hiệu quả.
Nhận Biết Triệu Chứng Cúm A Ở Trẻ
Trước khi bắt đầu chăm sóc, bố mẹ cần xác định trẻ có đúng mắc cúm A hay không thông qua các dấu hiệu phổ biến:
- Sốt cao trên 38,5°C, kéo dài 2-3 ngày.
- Ho khan, đau họng, chảy nước mũi.
- Mệt mỏi, uể oải, chán ăn.
- Đau cơ, đau đầu, rét run.
- Nôn ói, tiêu chảy (một số trường hợp).
Khi nào trẻ bị cúm A cần gặp bác sĩ?
Nếu trẻ có dấu hiệu dưới đây thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Bên cạnh việc chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách và tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, bố mẹ nên chú ý theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của trẻ. Trong một số trường hợp, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt ngay khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Trẻ sốt cao liên tục, trên 39 độ C và không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đã sử dụng thuốc hạ sốt, sốt cao liên tục kéo dài trên 2 ngày.
- Toàn thân và môi của trẻ tím tái.
- Khi trẻ thở, lồng ngực co kéo. Trẻ có biểu hiện thở gấp, thở khò khè hay khó thở.
- Trẻ có biểu hiện mất nước nghiêm trọng: tần suất đi tiểu giảm, lượng nước tiểu ít, nước tiểu có màu vàng, môi khô, khóc không có nước mắt,…
- Trẻ bỏ ăn, bỏ uống.
- Trẻ có xu hướng ngủ nhiều hơn, ngủ li bì, khó đánh thức.
- Trẻ cáu gắt nhiều, thường xuyên quấy khóc.
Các Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Cúm A
Trẻ bị cúm A uống thuốc gì?
Cúm A hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, trẻ bị cúm A sẽ được bác sĩ điều trị dựa trên những biểu hiện, triệu chứng mà trẻ đang gặp phải. Nguyên tắc cơ bản khi các bác sĩ điều trị cho trẻ là tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch cho bé thông qua cân bằng chế độ dinh dưỡng. Song song với đó, bác sĩ sẽ cân nhắc cho trẻ sử dụng một vài loại thuốc nhằm giúp trẻ có thể đào thải virus ra ngoài nhanh hơn như:
- Thuốc kháng virus: Đây là nhóm thuốc giúp kìm hãm sự phát triển của virus cúm, giảm mức độ lây lan từ tế bào này sang tế bào khác trong cơ thể. Một số loại thuốc phổ biến như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza)… có thể được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp cần thiết.
- Thuốc hạ sốt: Khi trẻ bị sốt cao, bố mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt để tránh nguy cơ co giật hoặc biến chứng nguy hiểm. Hai loại thuốc thường dùng là paracetamol và ibuprofen, tuy nhiên cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý không dùng aspirin hoặc các thuốc chứa salicylate vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
- Thuốc thông mũi: Nghẹt mũi là triệu chứng phổ biến khi trẻ bị cúm A, khiến trẻ khó thở và khó chịu. Để giảm tình trạng này, bố mẹ có thể dùng nước muối sinh lý (Natri Clorid 0.9%) để vệ sinh mũi, hoặc sử dụng các thuốc co mạch như Oxymetazolin, Naphazoline theo chỉ định.
- Thuốc long đờm: Khi trẻ bị ho có đờm, thuốc long đờm giúp làm loãng và loại bỏ đờm dễ dàng hơn. Một số loại thuốc thường được dùng bao gồm bromhexin, carbocystein, ambroxol… giúp trẻ giảm ho và thoải mái hơn.
Cách Chăm Sóc Và Phòng Ngừa Cúm A Ở Trẻ.
- Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ: Khi bị cúm A, trẻ thường mệt mỏi, uể oải do virus tấn công cơ thể. Vì vậy, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ vận động nhiều, thay vào đó, hãy để bé nghỉ ngơi trong không gian thoáng khí, yên tĩnh, tránh gió lùa để giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Nếu bé còn bú mẹ, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn để tăng cường đề kháng. Với trẻ đã ăn dặm, bố mẹ nên cho bé ăn những món mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, đồng thời bổ sung rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin như C, D, kẽm… giúp tăng sức đề kháng.
- Vệ sinh mũi, miệng đúng cách: Để giúp bé giảm nghẹt mũi, khó chịu, bố mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, kết hợp hút mũi nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc vệ sinh sạch sẽ sẽ giúp bé dễ thở hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Bổ sung nước và điện giải: Trẻ bị cúm A dễ bị mất nước do sốt cao, đổ mồ hôi nhiều. Vì vậy, mẹ nên cho bé uống nước thường xuyên, có thể thêm nước ép trái cây, cháo loãng để bổ sung dinh dưỡng. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước nhiều, mẹ có thể dùng Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ để bù điện giải.
- Vệ sinh cá nhân đúng cách: Nhiều bố mẹ lo lắng không dám tắm cho bé khi bị cúm, nhưng thực tế, việc tắm nước ấm hoặc lau người bằng khăn ấm giúp làm sạch mồ hôi, giữ da bé khô thoáng và dễ chịu hơn. Sau khi lau người, mẹ cần lau khô ngay và giữ ấm cho bé để tránh cảm lạnh.
- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ: Để hạn chế virus lây lan, bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt chăn gối, quần áo của bé, đồng thời khử khuẩn đồ chơi, tay nắm cửa bằng dung dịch sát khuẩn an toàn.
- Hướng dẫn bé phòng tránh lây nhiễm: Bố mẹ nên tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để ngăn ngừa lây lan virus. Hạn chế đưa bé tới nơi đông người do có thể lây nhiễm thêm các virus khác sẽ làm tình trạng cúm A của trẻ trầm trọng hơn.
Những biện pháp trên không chỉ giúp bé nhanh khỏi cúm A mà còn tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ biến chứng. Bố mẹ hãy kiên trì chăm sóc để bé sớm khỏe mạnh trở lại nhé!
Phòng khám Gia Đình- Family Medical Practice tại quận Ba Đình, Hà Nội
Để biết thêm thông tin chi tiết, đặt lịch khám..., vui lòng liên hệ FMP theo các kênh dưới:
☎️ 024 3843 0748- 117/119 (24/7)
✉️hanoi@vietnammedicalpractice.com
🏥298 i Kim Mã, Ba Đình, Hanoi